- Tháng mười 22, 2024
Trong suốt 4 năm đại học, tôi hối hận nhất vì đã làm 5 điều này, giờ tốt nghiệp rồi phải vất vả tự cứu lấy mình
Bốn năm đại học, thường là khoảng thời gian tự do nhất trong cuộc đời chúng ta. Vì những câu nói đại loại như “khi đang hạnh phúc trong cuộc sống thì nên hưởng thụ hết mình” hay “trẻ không chơi, già hối hận” nên rất nhiều bạn trẻ chọn cách tận hưởng tuổi trẻ và cuộc sống của mình trong khoảng thời gian này.
Nhưng chúng ta, những người trẻ, rất dễ lạc lối hoặc ôm tâm lý an phận. Ở đại học, hầu hết mọi người đều yêu đương nghiêm túc, chơi game hăng say và mơ mộng về cuộc sống, chỉ riêng việc học là làm bộ làm tịch. Kết quả khi là quãng thời gian bốn năm trôi qua rồi, chúng ta mới cảm thấy hối tiếc.
Nếu không muốn suốt những năm tháng sau này phải vất vả tìm cách bù đắp cho bốn năm quan trọng đó thì thời đại học, tốt nhất đừng làm 5 việc dưới đây:
1. Ăn chơi dài hơi, giải trí quá đà
Với sinh viên đại học, vào đại học đồng nghĩa với việc họ thoát khỏi những cay đắng của thời cấp 3 và thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Hàng ngày lang thang trong khuôn viên trường đại học, ngay cả không khí cũng mang hương vị của tự do.
Vì vậy, các bạn trẻ đã thể hiện khả năng “tự quản lý” cực kỳ mạnh mẽ của mình. Họ bắt đầu sống theo một múi giờ của riêng mình, bất chấp ngày hôm sau có phải lên lớp không. Họ thức đêm ngày này qua ngày khác, chẳng phải để học mà là để cày phim, chơi game, đọc truyện… Để rồi hôm sau lên lớp, họ luôn trong trạng thái mơ màng. Giảng viên giảng bài trên bục giảng còn bạn thì nằm gục ở hàng ghế cuối cùng trong giảng đường và ngủ.
Để rồi khi bạn mở mắt ra, bốn năm đại học đã trôi qua.
Giải trí hợp lý là điều cần thiết, nhưng giải trí quá mức sẽ chỉ khiến bạn chìm đắm trong đó và không thể thoát ra được.
2. Không lập kế hoạch tốt cho tương lai
Mới vào đại học, mọi thứ đều trông thật mới mẻ. Nhưng chúng ta, những người ở độ tuổi 20, rất dễ bị ảnh hưởng từ những người xung quanh và chạy theo đám đông một cách mù quáng.
Thấy người khác tham gia CLB, bạn cũng tham gia; thấy người khác đi làm thêm, bạn cũng đi làm thêm; bạn không có mục tiêu cũng chẳng có chút suy nghĩ nào về con đường tương lai của mình.
Lời khuyên ở đây là chúng ta cần phải có mục tiêu và lập kế hoạch dài hạn ngay từ đầu cho bốn năm đại học, thậm chí là cho sự nghiệp hoặc việc học xa hơn, điều này có thể giúp bạn tập trung năng lượng để vượt qua sự khó thích nghi trong cuộc sống đại học.
“Lập kế hoạch” thực chất là sự tập trung vào khả năng lựa chọn thông tin và sàng lọc thông tin.
Nếu bạn chưa rõ ràng về kế hoạch ngay từ đầu, bạn có thể lên các trang web hướng nghiệp của các trường để xem các video chuyên ngành liên quan hoặc làm đánh giá kế hoạch nghề nghiệp. Thông qua việc này, bạn có thể biết được cụ thể thì chuyên ngành bạn chọn học về cái gì, học như thế nào, sau này bạn có thể làm công việc ra sao.
Bên cạnh đó, các đánh giá hay lời khuyên hướng nghiệp chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cũng cần học cách tự đưa ra quyết định. Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ nhưng không nên mù quáng làm theo, cũng không nên kỳ vọng người khác sẽ suy nghĩ thay bạn về mọi thứ trong tương lai của bạn.
3. Không học tập nghiêm túc
Sự khác biệt lớn nhất trong việc học giữa cấp 3 và đại học là giáo viên dạy nhanh hơn, ít quản lý hơn và khuyến khích người học tự học nhiều hơn.
Ở trường đại học, chúng ta có thể tìm hiểu và học hỏi chi tiết về kiến thức của một lĩnh vực chuyên môn. Trong thời gian này, chúng ta sẽ học cách phân tích vấn đề cũng như cách suy nghĩ, tư duy. Khả năng này rất quan trọng trong công việc sau này. Thế nhưng rất nhiều sinh viên sau khi lên đại học lại cảm thấy hài lòng với hiện trạng và chỉ muốn nằm dài cho qua ngày. Họ chỉ cần “qua môn” chứ không cần thứ gì khác, kết quả là họ chẳng thu lại được gì, thậm chí còn chẳng học được cách học.
Các bạn ơi, hãy lắng nghe lời khuyên từ những người đi trước: Học, học nữa, học mãi. Đừng bao giờ ngừng việc học lại, bạn không chỉ cần học kỹ năng chuyên môn mà còn cần trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng suy nghĩ độc lập…
4. “Hòa nhập” quá mức
Trong cuốn sách The Crowd (Tâm Lý Học Đám Đông) có viết thế này: Khi một người ở trong đám đông, chỉ số thông minh của họ sẽ giảm đáng kể, để có được sự công nhận, cá nhân sẵn lòng từ bỏ lẽ phải, sử dụng trí thông minh để đổi lấy cảm giác an toàn của việc thuộc về một nhóm.
Những người bạn đầu tiên chúng ta quen ở trường đại học thường là bạn cùng phòng trong ký túc xá. Việc có thể kết bạn thân thiết trong môi trường mới là điều tốt. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta phải học cách “đi theo con đường riêng của mình”.
Chúng ta thường cảm thấy, mọi người ở cùng một phòng, cần phải giúp đỡ nhau, làm mọi thứ cùng nhau, vì vậy sẽ xuất hiện cảnh: bốn người cùng phòng cùng đi học, cùng ăn, cùng ra ngoài lấy hàng ship…
Hòa nhập quá mức, thực ra là đang lãng phí thời gian của bản thân.
Chúng ta có rất nhiều việc phải làm, thay vì dành thời gian làm hài lòng người khác, chúng ta nên dành thời gian làm hài lòng chính mình.
5. Không chăm sóc cơ thể
Trong thời gian tập quân sự, chúng ta được rèn sinh hoạt theo nề nếp. Nhưng chỉ cần kết thúc học kỳ quân sự, mọi thứ đâu sẽ lại hoàn đấy.
Buổi sáng chỉ kịp đến lớp đúng lúc tiếng chuông báo vang lên lúc 8 giờ, buổi tối thức khuya nghịch điện thoại, không chịu đi ngủ; buổi sáng không có lớp, ngủ đến trưa mới dậy; nếu có hoạt động CLB, thậm chí chẳng buồn ăn tối… Lâu dần, không chỉ lịch trình của bạn bị rối loạn mà cơ thể cũng kiệt quệ theo.
Vì vậy, nhất định phải duy trì lịch trình đều đặn, duy trì việc vận động, chăm sóc cẩn thận ba bữa ăn hàng ngày của mình. Dù sao thì cơ thể chúng ta cũng có khoảng 37,2 nghìn tỷ tế bào đang sống vì bạn đấy.
Theo Zhihu
- Nguồn:
- LINK